Design a site like this with WordPress.com
Get started

01.11

Mình đọc bài này từ A Crazy Mind, thấy mình trong đó, may mắn là “đã từng”:

“TÔI SẼ KỂ CHO BẠN NGHE, TÔI ĐÃ TỪNG MUỐN TỰ TỬ NHƯ THẾ NÀO

Tôi biết viết như vậy thật dài, và tôi cũng chẳng giỏi viết cho lắm, nhưng đây có lẽ là những gì thành thực nhất tôi từng viết ra, hi vọng bạn không ném đá.

Tôi sẽ kể cho bạn nghe tôi đã từng muốn tự tử như thế nào.

Tôi trầm cảm từ năm 15 tuổi, và điều này kéo dài cho đến tận bây giờ, cũng đã được 9 năm, là trầm cảm mãn tính. 

Còn nếu nói về chứng tâm lý nào khác, rối loạn lo âu tôi cũng có, rối loạn lưỡng cực cũng có, ám ảnh cưỡng chế cũng có. Tôi có điều trị không? Có, làm bạn với thuốc đã hai năm. Cho đến khi nào? Tôi không rõ.

Năm đầu tiên của bệnh trầm cảm, tôi còn chẳng ý thức được mình trầm cảm. Tôi chỉ nhớ mọi thứ ban đầu thật buồn bã. Bất kể ngày hôm nay trời có đẹp thế nào, mọi thứ vẫn thật buồn, còn tôi thì chẳng biết được vì sao mình buồn. Sau đến là căng thẳng, “căng thẳng” là một từ mà tôi chẳng dám đề cập với ai, người ta vốn dĩ sẽ chỉ trích, sẽ đổ cho tôi tự suy nghĩ quá nhiều, và tất cả là do tôi chẳng biết tự lo lấy bản thân, phải nhờ người khác, bất kể là điều gì, cũng sẽ là lỗi của tôi, nhiều lúc tôi còn chẳng biết được tôi đã làm gì sai. Đã có những ngày tôi cảm tưởng đầu mình chẳng khác nào trái trứng gà, chỉ cần đập nhẹ vào tường là vỡ. Nhiều lúc tôi ước rằng, nếu chỉ cần đập nhẹ đã vỡ, thì tốt biết bao. Sau những cơn căng thẳng là lo âu, sau thì không còn cảm thấy gì nữa, chỉ cảm thấy trống rỗng, trước mặt hay sau lưng dù có quang đãng đến đâu, cũng chẳng khác gì sương mù, chẳng còn cảm thấy hay nhìn thấy một sự sống gì. Có những lúc bản thân thấy cô đơn, cũng chẳng thể định nghĩa được cảm giác đó là cô đơn.

Đến năm thứ hai của trầm cảm, tôi vẫn chưa biết được bản thân trầm cảm. Có hàng ngàn lời đồn về những vụ tự tử trong ngôi trường tôi theo học, người nhảy lầu, người treo cổ, người uống thuốc ngủ, người rạch cổ tay… Một ngày nọ tôi ngồi trong lớp và nghĩ rằng, chết theo những cách như vậy, có đáng sợ hay không, và nên chết ở đâu. Tôi đi đạo quanh ngôi trường của mình, nó thật rộng lớn, có những ngóc ngách nếu bạn cúp học thì tôi nghĩ giáo viên cũng chẳng biết tìm bạn ở đâu, và tôi đã nhắm trước những địa điểm thích hợp để có thể chết trong im lặng. Nhưng rồi tôi chẳng chết được. 

Tôi vẫn còn nhớ đó là buổi trưa một ngày tháng 10 của năm 2011, trong lúc mọi người nghỉ trưa, tôi đi lên tầng 2 của trường học, tựa vào lan can và nhìn xuống, cảm tưởng như có một sức hút kì lạ, như thể mặt đất dưới kia là cỏ mềm, rơi xuống sẽ rất nhẹ nhõm, như quả trứng gà vỡ toang, mở mắt ra là đã sang được thế giới bên kia. Rồi tôi bắt đầu suy nghĩ về những người đã từng nhảy lầu ở đây, trước khi họ buông mình, họ đã nghĩ gì, có tương tự điều tôi đang nghĩ hay không. Nhưng tôi đã không nhảy khỏi đó. 

Chỉ mới năm trước đó thôi đã từng có một nam sinh định nhảy lầu, nhưng giáo viên đã kịp thời kéo cậu ta lại, tôi không muốn mình được cứu theo cách tương tự. Ngày trước bạn thân của tôi tự tử, họ cũng đưa cô ấy vào cấp cứu, viện cớ đó là một tai nạn, tôi không muốn cái chết của mình cũng xảy ra theo điều tương tự. Tôi muốn mọi người công nhận rằng, chính tôi đã tự tử. 

Song tôi không thể nhảy khỏi lan can, hay thắt cổ mình ở đâu đó. Khi tôi nhìn lên trời, nhìn ra xung quanh, dù bên trong tôi trống rỗng, nhưng tôi vẫn biết rằng ngày hôm đó thật đẹp, lại vào đúng mùa tôi yêu thích, tôi biết rằng tôi đã từng yêu cái không khí ấy, cái màu nắng ấy, nên việc chết tại đây, vào một thời điểm đẹp, cũng khiến tôi trăn trở. Tôi bắt đầu nghĩ theo nhiều cách rất mâu thuẫn, rằng đây là một ngày thích hợp để chết, vì hôm nay mọi thứ trông thật bình yên, tôi không muốn chết trong một ngày u ám và nặng nề, vì bản thân tôi còn chưa đủ nặng nề hay sao? Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, nếu tôi nằm dưới kia trong một hình thù khó coi, khung cảnh đẹp đẽ kia sẽ chẳng còn nữa. 

Tôi bắt đầu nhớ đến những trường hợp tự tử mà tôi đã tìm kiếm trước đó, trong đó có một cô gái tên Evelyn McHale, bức ảnh họ chụp được khi phát hiện cô ấy nằm trên nóc xe hơi, trông thật đẹp và thanh thản, như thể đó chỉ là một giấc ngủ ngàn thu. Tôi tự hỏi liệu tôi có thể chết đẹp theo cách tương tự, hay sẽ thật ám ảnh như những phim kinh dị tôi từng xem, và người ở lại sẽ thêu dệt tôi như một hồn ma đầy thù hận. Rồi tôi bắt đầu nghĩ rằng, tôi sẽ chết vào một ngày thật đẹp, và ngày hôm đó tôi cũng sẽ làm cho mình trông thật xinh đẹp, thầm nghĩ một con người xinh đẹp mà chết đi, người ta sẽ xót thương và bớt đi những chỉ trích. Nhưng điều đó cũng chẳng xảy ra. Mọi lúc tôi nhìn vào gương, tôi cảm tưởng bản thân thật xấu xí và thất bại. Sau này tôi quyết định trở nên thật xinh đẹp và đầy tự tin, nhưng chẳng phải để sống, mà là để chết.

Nghe thật hài hước, ích kỷ và nông cạn phải không? 

Nhiều người chắc chắn sẽ tự hỏi, liệu tôi có nghĩ đến những người ở lại. Nếu tôi không nghĩ đến người ở lại, có lẽ tôi đã chết từ 6 năm trước, chứ không phải ngồi đây vào lúc này.

Thú thực, lần đầu tiên tôi nghĩ đến tự tử, tôi vẫn còn nghĩ rằng, cái chết của mình sẽ khiến ai đó có thể lắng nghe tôi một lần duy nhất, tôi sẽ để tất cả những tâm tư ở lại, để người còn sống sẽ đọc và hiểu được. Nhưng cho đến lần thứ hai, tôi lại cảm thấy tất cả những điều như vậy cũng chẳng quan trọng, có thể họ sẽ chẳng những không hiểu, mà còn chỉ trích ngược lại, biết đâu họ sẽ nghĩ tôi sống như một người có lỗi và sẽ chết đi như một kẻ có tội. Đến lần thứ ba, tôi bắt đầu nghĩ đến việc, có cách nào để chết nhưng thật êm ái, trước khi chết tôi sẽ xóa sạch những gì liên quan đến mình, ghi chép, hình ảnh, cả những mối quan hệ, và có lẽ là chết ở một nơi nào đó người khác chẳng tìm thấy được, cứ như thế đột ngột bốc hơi khỏi cuộc đời. Rồi tôi cũng không thể làm được. Vì đến lần thứ tư, tôi bắt đầu nghĩ đến những người ở lại, liệu họ có đau buồn hay tự dằn vặt mình vì cái chết của tôi hay không, tôi sợ cái cảm giác là nguyên nhân khiến ai đó trầm uất, sợ là gánh nặng của người khác, sợ ai đó vì mình mà đau khổ, sợ rằng khi chết đi rồi, nhìn ai đó dằn vặt, lại không thể kìm lòng, cứ vất vưởng mãi, chẳng siêu thoát.

Đến năm thứ 8 của trầm cảm, tôi chẳng còn muốn chết nữa. Điều tôi sợ không phải sợ chết, mà là sợ cảm giác sau khi chết cũng chẳng thể thanh thản hơn. Trong suốt nhiều năm tìm cách hoàn hảo để chết, tôi cũng tìm hiểu sau khi chết người ta sẽ đi đâu. Dù chẳng có bằng chứng gì về đời sống sau khi chết, nhưng dần tôi thấy chết hay sống cũng đau khổ như nhau. Lâu dần tôi thấy, vấn đề chẳng phải là người ở lại, mà là ở mình, người sau cùng có đau khổ, cũng là mình. Người sống thì vẫn có thể sống tiếp, vẫn có thể chữa lành, vẫn có thể nguôi ngoai, sống đủ rồi thì có thể chết. Sống mà cảm tưởng như chết đi sống lại nhiều lần, chỉ mong được chết thật, nhưng chết thật rồi mà đau khổ, thì làm sao để có thể chết tiếp một lần nữa? Chết đến bao lần mới là đủ?

Vậy đấy, cái ngày tôi ngỡ ngàng ra, tự mình chẳng thể đảm bảo cho mình một cái chết thanh thản, thì có sống hay chết, cũng chẳng khác gì nhau. 

Tôi có đọc tâm sự của người khác, tôi cũng ý thức được đôi khi bản thân không thể tự giải quyết khó khăn. Người khác thì luôn khuyên tôi cứ khóc đi, cứ hãy nói ra, cứ thử mở lòng, rồi sẽ nhận ra bản thân không cô đơn nữa. Tôi không rõ đối với người khác việc này có dễ dàng hay không, nhưng 6 năm liên tiếp của tôi thì là không

Tôi nghĩ rằng những ai từng ở trong hoàn cảnh của tôi, điều biết rõ cái cảm giác, muốn than thở cũng không thể than thở, muốn nói ra cũng chỉ có thể nói với chính mình, sau cùng cảm thấy chẳng có ai lắng nghe ngoại trừ bản thân mình. Đối với tôi, tôi biết mình luôn không tĩnh lặng, bên trong luôn xáo động, tôi không  thể cảm thấy an toàn, không thể tin tưởng, tôi cũng từng bị tổn thương vì rất nhiều lời nói tưởng chừng vô hại trong nhiều năm, đến mức tôi không cảm thấy bản thân có thể kết nối với bất cứ ai, còn khi miễn cưỡng chấp nhận sự giúp đỡ của người khác thì lại cảm thấy bản thân làm phiền họ… 

Suy cho cùng thì chẳng ai đáng để mất đi một ngày tươi đẹp chỉ vì câu chuyện buồn của chúng ta, phải vậy không?

Tôi biết không chỉ mình tôi, mà rất nhiều người, chỉ lặng lẽ khóc một mình, lại không thể cất thành tiếng, cảm tưởng mọi nhịp thở đều phải thật im lặng, như thể mỗi tiếng nấc cất lên sẽ gây sự chú ý không mong đợi. Tôi biết có nhiều người, ban đầu chỉ là khóc cho đến khi mệt mỏi, sau đôi khi mệt mỏi đến mức không thể khóc, nước mắt cũng chẳng tự động rơi. Nhiều người, trong đó có tôi, nghĩ rằng cứ để bản thân bận rộn thì sẽ tạm ổn, vùi mình làm việc quần quật, chỉ để tránh phải đối mặt với cảm xúc, thì sẽ tạm ổn. Tôi đã từng nghĩ, cứ khóc và làm việc cho đến khi mệt lả người thì đi ngủ là được, song về sau mới biết có những lúc cơ thể rã rời, lại chẳng thể nhắm mắt ngủ yên. Những lúc như vậy mà trầm cảm quá, lại chỉ nghĩ tới một cơn đột quỵ trong lúc ngủ, hoặc ngay trong lúc làm việc cũng được, chết vì kiệt sức như vậy có lẽ dễ dàng chấp nhận hơn là tự tử. Và nếu chết trong một cơn mơ đẹp, có lẽ sẽ trọn vẹn hơn.

Nhưng rồi tôi vẫn mở mắt ra khi mỗi ngày mới bắt đầu, những cơn mơ chẳng khi nào là đẹp cả. Đã có lúc tôi cứ để yên vậy, buồn thì vẫn buồn, chán nản thì vẫn chán nản, gặp người khác thì cứ vẫn cười tươi, vì chẳng ai muốn tiếp nhận những năng lượng tiêu cực, kể cả bản thân mình, nghĩ rằng giờ có sống hay chết thì cũng cứ rạng rỡ, bất kể là thật hay giả, cứ nhìn rạng rỡ tích cực là được. Còn vì lý do gì, thì chắc tùy người. Lý do của tôi, à đơn giản thôi, tôi mệt nhiều rồi, cười nhiều như vậy, cũng quen rồi.

Người trầm cảm xung quanh tôi thì không ít, trầm cảm mà có thể cười rạng rỡ thì lại nhiều. Tôi vẫn luôn cảm thấy xót xa, vì có những người trầm cảm nhưng nụ cười của họ lại quá đẹp, nét mặt lại thật tự nhiên, không chút gượng ép, họ không nói ra thì cũng chẳng ai mảy may nghi ngờ họ trầm cảm, có chăng vài người nhạy cảm quá thì có thể biết được. Khi gặp những người như vậy, tôi tự hỏi, họ đã chịu đựng từ khi nào, lâu đến thế nào để có thể trọn vẹn che giấu được, không chút sơ hở. 

Vậy đó mà đến khi nói mình trầm cảm, người ta cũng chẳng tin đâu em.”

“Giả sử người ta có tin, được mấy ai không thầm trách chúng ta yếu đuối và nhu nhược hả em?”

“Không thể mạnh mẽ, là sai hả em?”

Lúc tôi nghe được những điều này, lòng tôi thắt lại vì chính tôi đã và luôn cảm thấy chúng tồn tại. 

Đồ yếu đuối”; “Mày cứ tự làm quá nó lên”; “Việc gì mà phải khóc?”; “Vô tội lắm hay sao mà khóc?”; “Thứ kì lạ”; “Đừng có sống để mà người khác thấy nhục vì mày”; “Mày có thể như người bình thường được không?”; “Mệt mỏi, ai khiến mày mệt mỏi?”; “Thứ vô dụng, không biết điều”…

Tôi tự hỏi mỗi lúc người khác phát ngôn ra những điều như vậy, liệu họ có nghĩ đến người đối diện, hay chỉ để thỏa mãn cái tôi tức thời. Vậy đấy nhưng chẳng mấy ai chịu trách nhiệm cho lời nói của họ, vì người ta nghĩ lời nói trong lúc nóng giận vốn dĩ chẳng có giá trị, song chẳng mấy ai có thể buông được lời xin lỗi, sau cùng họ chỉ muốn ta bỏ qua, vì tha thứ cho họ là tha thứ cho ta, và có khi họ đang nói với ai đó khác rằng chúng ta thật ích kỷ, để bụng toàn những chuyện không đâu. 

Có làm gì, thì cũng chẳng vừa lòng được họ.

Tôi thì từ lâu đã ngừng, chẳng muốn làm vừa lòng ai nữa, nhưng nếu ai đó hỏi tôi còn đau hay không, có, tôi vẫn còn. Cảm giác nó vẫn luôn ở đó, chẳng bay mất đi đâu, như một chiếc đĩa vỡ toang thì vết nứt cũng sẽ vẫn còn, chẳng lành lặn lại như ban đầu. 

Có những ngày tôi tự hỏi vì điều gì mà tôi vẫn buồn, ngay cả khi chẳng còn mảy may đến việc ai nói gì, ai làm gì. Sau tôi mới nhận ra bản thân vốn dĩ đã hoài nghi và chẳng biết khi nào thì nên hài lòng. Liệu làm như thế nào mới đúng; làm như vậy có phải là sai; làm như vậy có phải là tốt nhất hay chưa…Thậm chí có lúc tôi còn hoài nghi chính nỗi buồn của mình, liệu tôi có buồn thật, hay tự làm quá như mọi người nói. Và tôi ý thức được sự thất vọng tràn trề khi bản thân chẳng thể làm gì để trở nên mạnh mẽ hơn. Có người nói tôi cầu toàn sẵn, có người giải thích rằng vì tôi đã dung nạp những đánh giá tiêu cực trong một thời gian dài nên tôi trở nên mất phương hướng. Và tôi nghĩ, có lẽ những người như tôi muốn chết phần nhiều vì tự trách móc chính mình, vì thất vọng với chính mình nhiều hơn là thất vọng với người khác. Sau tôi nghĩ, dù sống hay chết, có thanh thản được hay không cũng tùy thuộc nhiều vào việc mình có chấp nhận nổi mình hay không. 

Sống nhẹ nhàng, chết thanh thản, vốn dĩ chẳng dễ dàng.

Có lúc tôi ra ngoài và thầm ghen tị với những người luôn tỏa ra năng lượng tích cực, luôn có thể lạc quan trong mọi tình huống. Tôi ước ao tôi có thể được như họ, sau tôi nhận ra nhiều người trong số họ cũng chỉ đang mang theo mình chiếc mặt nạ đẹp đẽ, vì người khác thích điều này, và vì vô số trách nhiệm khác khiến họ phải như vậy, chẳng thể nào sống thật nổi.

Một ngày nọ của 11 năm trước, cô bạn thân của tôi tự tử. 6 năm trước, người yêu của bạn tôi tự tử. Cũng 6 năm trước, mẹ của bạn tôi tự tử. Chắc chẳng ai nhớ một ngày kia có nam sinh leo lên thành lan can trường học để tự vẫn. Và chẳng ai biết một cô gái ngày qua ngày tìm cách kết liễu mình bằng thuốc an thần. Và chẳng ai hay một người luôn có thể bình tĩnh và mỉm cười, chỉ vừa đưa vợ mình nhập viện sau khi cô ấy tự tử bất thành lần thứ 4. 

Chật vật thay, bất lực thay, cả người sống, người chết, người cố gắng để chết và người cố gắng để ở lại.

Có những lúc đau khổ đến tột cùng, tôi nghĩ cả tôi hay người khác cũng chẳng còn muốn nghe ai nói: “Rồi mọi chuyện sẽ ổn mà thôi”

Nhưng nếu tôi có thể nói ra một lời với ai đó, hoặc với cả bản thân mình, thì đó có lẽ là:

Bạn đã vất vả rồi.

Mình đã vất vả rồi.

Chúng ta đã vất vả rồi.

Ngày mai có lẽ trời sẽ vẫn đẹp, tôi không biết liệu có ai sẽ qua đời vào ngày mai hay không, nhưng trước khi bạn tự buông mình, xin hãy biết rằng bạn đã vất vả nhường nào. 

Khi tôi gặp được những người cô đơn giống mình, tôi nhận ra bản thân cũng không cô độc. 

Tôi vốn dĩ chẳng thể chết vì hoài nghi vào sự yên nghỉ.

Nhưng lâu dần tôi không còn mong vào việc thanh thản chết đi. Giờ thì tôi nghĩ nếu vẫn sống mà có thể bình an, thì tốt biết nhường nào. Để chết rồi, không phải chết thêm lần nào nữa.

Sau những lần mệt nhoài, tưởng vỡ vụn, không thể đứng dậy nổi, tôi trong lúc mơ hồ lại mong manh tin rằng mình sẽ được tái sinh, mạnh mẽ hơn, tự mình vững vàng được.

Rồi tôi tự hỏi, liệu ngày mai, ngày kia, năm sau, năm sau nữa, có đủ để cho mình tái sinh hay không. Tính bằng thời gian sống, có lẽ nhanh và đỡ mệt nhoài hơn. Có người nghĩ đến lúc chết đi, qua bao ải mới có thể luân hồi, rồi có khi lại mất thêm 20 năm đau khổ đằng đẵng, có khi thêm một kiếp người, vẫn không thể thoát khỏi khổ đau, vậy chi bằng sống thêm 20 năm, 40 năm nữa, sống cuộc đời của mình, cho mình, coi như một lần trong một kiếp, chẳng mấy khi.  

Ngày qua ngày, mỗi khi hay tin ai đó qua đời vì trầm cảm, tôi lại thấy buồn và xót xa, lại thêm một ai đó đau khổ và cô đơn đến gục ngã, hoặc ai đó chán nản đến mức có sống hay chết cũng chẳng thiết tha.

Còn tôi thì vẫn luôn tự nhủ chẳng có gì tồn tại mãi, kể cả khổ đau của chúng ta.

Tôi biết có nhiều điều thật khó để nguôi ngoai, và chẳng ai ngoại trừ chúng ta có thể giúp đỡ chính mình. Nhưng sau này khi lắng nghe nhiều hơn, tôi tin vào sự đồng cảm, tôi tin rằng chúng ta có thể giúp nhau chữa lành những vết thương, hoặc không thì tự tôi hay bạn vẫn còn chút thời gian và sức lực để tự chữa lành cho mình, để ít nhất chúng ta không còn quá đau nữa.

Cho đến khi thần chết gõ cửa, tôi hay bạn, vẫn còn thời gian.

Chúc bạn bình an. “

Leave a Reply

Fill in your details below or click an icon to log in:

WordPress.com Logo

You are commenting using your WordPress.com account. Log Out /  Change )

Twitter picture

You are commenting using your Twitter account. Log Out /  Change )

Facebook photo

You are commenting using your Facebook account. Log Out /  Change )

Connecting to %s

%d bloggers like this: